NGHIÊN CỨU VÀ PHIÊN DỊCH ĐẠI PHẨM THỨ NHẤT
MA HA CHỈ QUÁN
PHÁP MÔN VIÊN ĐỐN

(The Great Calming and Contemplation)
THIÊN THAI TRÍ KHẢI

Neal Donner & Daniel B. Stevenson biên soạn

Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch
Nhà xuất bản Phương Đông TP. HCM 2009



PHẦN HAI
CHÚ DỊCH ĐẠI PHẨM THỨ NHẤT MA HA CHỈ QUÁN

Mục Lục | Bài Tựa | Tiểu Phẩm I | Tiểu Phẩm II | Tham Khảo
Tiểu Phẩm III | Tiểu Phẩm IV | Tiểu Phẩm V | Thiên Thai Trí Giả

___________________________________________________

Thiên Thai Trí Khải
(538-597)

Tiểu sử của Trí Khải ghi rằng đại sư là người sáng lập ra Phật học viện đầu tiên ở Trung Hoa, tức Phật giáo Thiên Thai. Trí Khải đã hòa hợp nhiều quan điểm khác nhau đang có mặt trong lãnh vực tư tưởng Phật giáo, và mang tất cả vào một hệ thống phân loại hợp nhất. Vì thế nên Trí Khải được nhìn như một bậc tôn sư Phật giáo lớn nhất thời bấy giờ.

... Sau khi cha mẹ lần lượt qua đời, cuối cùng Trí Khải tìm con đường sống đời tu sĩ vào năm mười tám tuổi dưới sự hướng dẩn của một nhà sư tên là Pháp Chữ (Fa-hsu) tại chùa Quả Nguyện (Kuo-yuan ssu) ở Hành Châu (Hsiang-chou),. Sau đó được gởi đến học giáo pháp với Tuệ Quang (Hui-k’uan). Năm hai mươi mốt tuổi, Trí Khải đã tinh thông nhiều về Luật tạng (Vinaya). Ðại sư chuyên tâm học kinh Pháp Hoa, kinh Vô Lượng Nghĩa, và kinh Quán Phổ Hiền suốt hai năm ròng không gián đoạn tại đỉnh núi Ðại Hiền.

Trí Khải đã vun bồi hạt giống đạo mạnh đến đổi có một ngày đại sư thấy được đạo tràng nghiêm sức huy hoàng, nhưng tất cả kinh điển và tượng Phật xiêu đổ ngả nghiêng. Trí Khải thấy mình ngồi trên một chiếc ghế cao, miệng tụng đọc kinh Pháp Hoa, tay thu xếp lại kinh và tượng. Ðiềm nầy ám chỉ rằng sứ mạng của Trí Khải là hòa đồng thế giới Phật giáo bằng cách sáng lập ra một hệ thống.

... Vào năm hai mươi ba tuổi, Trí Khải vào núi Ðại Tô ở Quảng Châu lễ bái tôn giả Tuệ Tư. Ở lại núi nầy suốt bảy năm, Trí Khải được dạy Tứ An Lạc Hạnh. Ðây là pháp quán an lạc mà tôn giả Tuệ Tư đã viết ra giúp hành giả thể nghiệm được lý kinh Pháp Hoa, thí dụ, Pháp Hoa Ðẳng Trì. Pháp đẳng trì nầy chính tôn giả thực chứng. Như kết quả tu tập và hành trì tinh tiến, khi Trí Khải tụng đến phẩm kinh thứ hai mươi ba trong kinh Pháp Hoa là phẩm ‘Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự’, đại sư hốt nhiên thấy thân tâm thanh tịnh và nhập định. Trong định, Trí Khải thấy chính mình ở tại đỉnh Linh Sơn, và đang nghe Thế Tôn thuyết pháp. Từ đó, đại sư trực nhận được huyền nghĩa kinh Pháp Hoa. Kinh nghiệm kỳ diệu ở núi Linh Thứu ám chỉ quyền năng tuyệt đỉnh của Trí Khải trong việc giảng giải kinh Pháp Hoa.

Ví như một thực nghiệm sâu xa huyền bí ghi đậm chuyển biến quan trọng trong đời Trí Khải. Kể từ đó, đại sư phát triển năng khiếu vượt bực trong thiền quán và giáo thuyết. Trí Khải đã đạt đến trí tuệ và tài năng xuất chúng trong một thời gian ngắn dưới sự dạy dỗ tận tâm của thầy mình là tôn giả Tuệ Tư, là người đã truyền tất cả sở học của mình cho Trí Khải. Tôn giả đã đánh giá rất cao về biện tài của Trí Khải trong những lần biện luận và thuyết giáo: {Dù cho cả ngàn vị kinh sư đến biện luận với ông, họ cũng không thể đánh ngả được biện tài của ông. Trong số những người giảng pháp Phật, ông là bậc nhất. }

Năm 597, đại sư ngồi thị tịch trước tảng đá lớn trên núi, thọ 60 tuổi, 40 tuổi hạ.
Tác phẩm để lại: Pháp Hoa Sớ, Tịnh Danh Sớ, Maha Chỉ Quán, Duy Ma Kinh Sớ, Tứ Giáo Nghĩa, Kim Cang Bát Nhã Kinh Sớ, Thiền Môn Yếu Lược, Quán Tâm Luận, Pháp Hoa Kinh Huyền Nghĩa, Pháp Hoa Kinh Văn Cú, Quán Âm Huyền Nghĩa, Quán Âm Nghĩa Sớ, Kim Quang Minh Kinh Huyền Nghĩa, Tiểu Chỉ Quán, Kim Quang Minh Kinh Văn Cú, Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ ...

[Trích từ ‘The Profound Meaning of the Lotus Sutra, T’ien-T’ai Philosophy of Buddhism’ (Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Phật Học Thiên Thai Tông) của Dr. Haiyan Shen, Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch].

{‘Nghe diệu pháp’ có nghĩa là gì? Hành giả nghe rằng Luân Hồi tức Pháp Thân, rằng Khổ tức Bát Nhã, rằng Trói Buộc tức Giải Thoát. Mặc dù chân lý có ba danh nhưng không phải là có ba thể. Mặc dù chỉ có một thể, nhưng mang ba tên gọi. Cái ba nầy không ngoài nhất tướng; trong thực tại, không hề có sự phân cách giữa những điều nầy... Ðó là ‘nghe được diệu pháp’.}

(Quán Ðảnh)

Quán Ðảnh
(561-632)

Cao tăng Trung Quốc đời nhà Tùy. Sư người huyện Lâm Hải, tỉnh Chiết Giang, họ Ngô, tự là Pháp Vân, tên là Quán Ðảnh. Người đời gọi là Chương An Ðại Sư, vị tổ thứ V của Thiên Thai Tông.

Năm 7 tuổi, Sư xuất gia với ngài Huệ Chẩn, chùa Nhiếp Tịnh, năm 20 tuổi thọ giới Cụ Túc. Sau khi ngài Huệ Chẩn thị tịch vào năm 583, Sư đến chùa Tu Thiền ở núi Thiên Thai làm thị giả và học Thiên Thai giáo quán với ngài Trí Khải. Sư có trí giải và biện tài khó ai sánh được. Sư sưu tập, ghi chép những di cảo của ngài Trí Khải gồm hơn 100 quyển để truyền lại đời sau như: Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Pháp Hoa Văn Cú, Maha Chỉ Quán.

Về già, Sư trụ ở tinh xá Xứng Tâm, xứ Cối Khê, thuyết giảng kinh Pháp Hoa. Năm 632 Sư thị tịch, thọ 72 tuổi. Vua ban thụy hiệu là Tổng Trì Tôn Giả.

Tác phẩm gồm có:
- Ðại Bát Niết Bàn Kinh Huyền Nghĩa (2 quyển)
- Ðại Bát Niết Bàn Kinh Sớ (33 q.)
- Quán Tâm Luận Sớ (5 q.)
- Thiên Thai Bát Giáo Ðại Ý (1 q.)
- Tùy Thiên Thai Trí Giả Ðại Sư Biệt Truyện (1 q.)
- Quốc Thanh Bách Lục (4 q.)
Ngoài ra còn có những tác phẩm Nhân Vương Kinh Tư Ký (3 q.), Nhân Vương Sớ (4 q.) v. v... đã bị thất lạc.

(Trích từ Tục Cao Tăng Truyện, Phật Tổ Thống Kỷ, Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục 2, Tự Ðiển Phật Học Huệ Quang).

Về các tác giả

Daniel B. Stevenson

Hiện là giáo sư Phật Học Trung Hoa, phân khoa Tôn Giáo Học tại University of Kasas, Hoa Kỳ. Ông nhận văn bằng Tiến Sĩ tại Columbia University với luận án Tứ Thiền của Thiên Thai Tông vào thời kỳ sơ khởi. Ông cũng đã xuất bản một nghiên cứu rất rõ ràng với chủ đề Các Truyền Thống Thiền trong Phật Giáo Ðông Á (Traditions of Meditations in East Asian Buddhism) do Dr. Peter N. Gregory hiệu đính, và dịch giải các cẩm nang nghi lễ của Thiên Thai Trí Khải.

Neal Donner

Nhận văn bằng Tiến sĩ tại University of British Columbia vớI bản dịch về tác phẩm Maha Chỉ Quán. Ông xuất bản những tác phẩm với chủ đề: Ðốn và Tiệm: Những lối về giác ngộ trong tư tưởng Trung Hoa (Sudden and Gradual: Approaches to Enlightenment in Chinese Thought) do Dr. Peter N. Gregory hiệu đính; và Chữ Hành của Phật Giáo và Lão Giáo trong xã hội Trung Hoa thời Trung Cổ (Buddhist and Taoist Pratice in Medieval Chinese Society) do David W. Chappell hiệu đính.

Khi phải đối diện với những lối nhìn khác biệt,
lòng tự cao tự đại liền biến thành mối hiềm thù.

-Daniel B. Stevenson-

___________________________________________________

Back

 

Phước Huệ Temple
Address: 365 Victoria St. Wetherill Park, NSW 2164
Phone: (02) 9725 2324, Fax: (02) 9725 5385, Email: phuochue@phuochue.org