Tháng Bảy Âm Lịch
Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh ngắt xương khô;
Não người thay buổi chiều thu!
Ngàn lau khóm bạc, lá ngô dòng vàng,
Đường bạch dương bóng chiều man mát,
Ngọn đường lê lác đác mưa sa,
Lòng nào lòng chẳng thiết tha?
Cõi dương còn thế huống là cõi âm.
Cụ thi hào Nguyễn Du đã cảm thán cho một buổi chiều thu tháng bảy âm lịch với tiết trời mưa dầm sùi sụt. Cảnh vật ảm đạm u sầu, khiến lòng người man mác xót xa cho thân phận đẩy đưa thăng trầm trong cuộc thế “Lòng nào lòng chẳng thiết tha? Cõi dương còn thế huống là cõi âm”. Tâm cảm của người sống còn như thế, hà huống là đã quá cố, nên khiến Cụ liên tưởng nghĩ đến với hình ảnh thi thể đang nằm dưới lòng đất lạnh cô đơn. Nhưng có những nỗi cô đơn hơn nữa là khi những “Nắm xương vô chủ biết vùi nơi nao?” không người thân tưởng niệm, không nơi thờ phượng nhớ thương. Thật là chua xót biết bao, đến nỗi phải “Trời thăm thẳm mưa gào gió thét” và khiến cho “Khí âm huyền mờ mịt trước sau” với “Ngàn cây nội cỏ rầu rầu, Nào đâu điếu tế nào đâu chưng thường?”.
Trên đây là diễn tả cảnh mùa Thu với lá vàng rơi rụng, mây giăng ảm đạm và mưa phùn lất phất, khiến tâm hồn con người cũng trầm xuống, đi vào dòng tư tưởng miên man, lang thang qua những cảnh trong quá khứ, với vui buồn thương ghét giận hờn và hy vọng với những viễn ảnh tương lai. Những làn gió thu len lỏi vào tâm khảm nhớ thương về người thân đã quá vãng. Vì vậy, tháng Bảy âm lịch cũng là tháng đặc biệt trong năm. Tháng của tình thương, tháng của gợi nhớ, tháng của lòng vị tha rộng lớn, tháng sẵn sàng buông bỏ những khúc mắc trong tâm hồn.
Đối với Phật Giáo Đại Thừa thì tháng bảy âm lịch rất quan trọng với hai sự kiện như sau:
- Trung tuần tháng bảy âm lịch là hàng trưởng tử Như Lai tăng thêm một tuổi Đạo, nói lên quá trình tu học và hoằng pháp của sự nghiệp tuệ giác.
- Tháng bảy âm lịch là tháng của Báo Ân Báo Hiếu. Tháng của sự cứu cái khổ treo ngược theo điển tích của ngài Mục Liên cứu Mẹ.
Hai sự kiện này liên quan mật thiết bất khả phân ly. Nguyên do, theo điển tích của Đại Thừa Phật Giáo kể rằng: Ngài Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất trong hàng đại đệ tử của đức Phật Thích Ca, khi nhập định quán thấy Mẹ của Ngài đang bị đoạ đày khổ đau dưới địa ngục, nhưng Ngài không làm sao cứu được Mẹ thoát khỏi. Liền xin Đức Phật Bổn Sư Thích Ca chỉ dạy phương pháp giải cứu Mẹ. Và đức Phật dạy rằng: Hãy nhờ thần lực của mười phương Tăng, đặc biệt là ngày chư Phật mười phương hoan hỷ, đó là ngày Tự Tứ của chư Tăng sau ba tháng an cư kiết hạ đã mãn. Nhân ngày đó thiết lễ trai tăng cúng dường mười phương chư Phật Bồ Tát cùng Thánh Hiền Tăng. Và nhờ năng lực chú nguyện của mười phương Tam Bảo, nên trong ngày ấy Mẹ của ngài Mục Kiền Liên thoát khỏi cảnh địa ngục khổ đau và sanh về cảnh giới chư Thiên hưởng phước. Kinh Vu Lan ghi rằng:
Mục Liên mẫu cũng trong ngày ấy
Kiếp khổ về ngạ quỷ được tan
Kể từ đó, Phật Giáo Đại Thừa đã đưa điển tích này vào những quốc gia như Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn và Việt Nam, để làm phương pháp Báo Hiếu của người con Phật và phương pháp này đã được nhân gian hoá, không còn đóng khung với những người theo Phật Giáo. Đặc biệt tại Việt Nam, truyền thống văn hoá Báo Hiếu Báo Ân này đã lan toả khắp miền đất nước nam trung bắc.Vượt qua hàng rào của niềm tin Tôn Giáo hay không Tôn Giáo. Bởi lẽ, ai ai cũng nhờ công ơn sanh thành dưỡng dục, mang nặng đẻ đau của cha của mẹ.
Công Cha như núi Thái sơn,
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Đó là câu ca dao, mà từ thuở nhỏ mới chập chửng bước vào trường học đầu đời đã học thuộc lòng. Cho nên tư tưởng Báo Hiếu đã trở thành chủ đạo cho Dân Tộc Việt Nam và cũng là nền tảng căn bản giáo dục người Việt Nam trở thành một con người đạo đức chuẩn mực, dựa trên yếu tố vì muốn Báo Ân Báo Hiếu với ông bà cha mẹ. Cũng như Tăng Tử một học trò giỏi của Khổng Tử bảo rằng: "Hiếu hữu tam: đại hiếu tôn thân, kỳ thứ phất nhục, kỳ thứ năng dưỡng", nghĩa là: "Hiếu đạo có 3 điều: Đại hiếu là tôn kính cha mẹ, thứ đến là không làm gì gây tai tiếng cho cha mẹ, sau cùng là nuôi dưỡng cha mẹ".
Vì tôn kính Cha Mẹ một cách tuyệt đối và không làm nhục cha mẹ hoặc tổn thương tâm hồn cha mẹ. Đó là người con sẽ hoàn hảo về phương diện đạo đức. Từ đạo đức căn bản này sẽ phát triển tất cả các khía cạnh về đạo đức. Thí như phát triển tình thương yêu với mọi người, lòng khoan dung rộng rãi, niềm tha thứ cảm thông, đối xử tốt đẹp ân cần với mọi người. Lòng hiếu còn giúp chúng ta dễ dàng thành tựu và thăng tiến sự nghiệp, vì vậy người con có Hiếu sẽ cần mẫn học hành hay phấn đấu làm việc và tạo ra nhiều việc phúc đức. Vì vậy, Tăng Tử còn gọi “Hiếu giả bách hạnh chi tiên” nghĩa là “Hiếu đứng đầu trăm nết tốt”. Đạo lý Hiếu còn hàm chứa những tính chất thiêng liêng mầu nhiệm vượt thoát mà người thường khó nhận ra được. Và Tăng Tử cũng viết trong Minh Tâm Bảo giám rằng: “Hiếu chí ư nhân tắc chúng phúc hàm trăn” nghĩa là “Hiếu cảm đến người thì mọi phúc đều tới”.
Đó là một phần quan niệm Hiếu đạo của Nho Giáo nói riêng và thế gian nói chung.
Quan điểm Hiếu Đạo của Phật Giáo, trên mặt căn bản của thế gian hay cộng đồng nhân loại, thì cũng đồng quan điểm Báo Hiếu như trên. Tuy nhiên có những phương pháp khác hơn thế gian sẽ được dẫn chứng qua các Kinh dưới đây:
Kinh Trường Bộ (Dìgha Nikàya), số 31. Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Sigàlovàda sutta) ghi rằng: “….. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người con phải phụng dưỡng cha mẹ…: "Được nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời".
Kinh Tăng Nhất A Hàm ghi rằng:
“Này các tỳ kheo! Có hai người mà các thầy không thể nào đền ơn cho hết được, đó là cha và mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu cha mẹ. Các thầy phải biết, ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế, mà biết ân đó khó trả. Do vậy, người con hiếu thảo muốn báo đáp công ơn cha mẹ đúng chánh pháp cần phải thực hành những việc sau đây:
- Nếu cha mẹ chưa có niềm tin, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng Tam Bảo.
- Nếu cha mẹ xan tham, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm bố thí.
- Nếu cha mẹ theo điều ác, phải khuyến khích cha mẹ hướng về đường thiện.
- Nếu cha mẹ theo tà kiến, phải khuyến khích cha mẹ trở về với chánh kiến.
Làm được như vậy là trả ơn cha mẹ đúng với chánh pháp, khiến cha mẹ không những được an vui trong hiện tại, mà còn gieo phước lành trong tương lai”.
Trong kinh Hiếu Tử còn nhấn mạnh rằng:
“ Phật hỏi các Thầy Sa môn : Con nuôi cha mẹ , lấy cam lồ trăm vị làm thức ăn, dùng thiên nhạc làm vui tai, sắm y phục hảo hạng mặc nơi thân, vai cõng cha mẹ đi khắp bốn phương, suốt đời phụng dưỡng như vậy, đáng gọi là hiếu chăng ?
Các Thầy Sa môn thưa: Người này là đại hiếu.
Phật dạy: Chưa gọi là hiếu.
Phật bảo các Thầy Sa-môn: Xem người thế gian không có hiếu thảo, chỉ thế này mới gọi là hiếu: Hãy khuyên cha mẹ bỏ ác làm lành, thọ Tam quy giữ Ngũ giới. Dù cha mẹ sớm mai thọ trì quy giới, chiều về cõi chết, đối với ơn nặng cha mẹ nuôi dưỡng, cũng gọi tạm đền”.
Qua sự trích dẫn của những đoạn Kinh trên, chứng minh cho chúng ta thấy rằng: Đức Phật dạy chúng sanh hiếu thuận với cha mẹ từ phương diện thế gian cho đến xuất thế gian. Với thế gian thì cũng như đạo Nho dạy: "Hiếu hữu tam: đại hiếu tôn thân, kỳ thứ phất nhục, kỳ thứ năng dưỡng". Với xuất thế gian thì con cái phải có bổn phận khuyên cha mẹ hướng về Tam Bảo, sanh khởi niềm tin và thật hành giáo pháp của Như Lai. Nếu còn trong sanh tử luân hồi, thì cha mẹ nhờ công đức tu tập được hưởng phước nhân thiên và rốt ráo là giác ngộ giải thoát sanh tử được Niết Bàn tịch tịnh. Chính vì vậy trong Kinh Nhẫn Nhục đức Phật dạy:
“Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu
Cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu”.
Cho nên trong Kinh Báo Hiếu mới dạy rằng: “ Những đứa con bất hiếu, sau khi chết bị đọa vào địa ngục A tỳ, lửa dữ thiêu đốt, ăn hoàn sắt nóng, uống nước đồng sôi, gươm đao đâm chém …. ngày đêm chết sống muôn lần, đến trăm ngàn kiếp không ngừng một giây, sự hình phạt tại A tỳ ngục, rất nặng nề ngỗ nghịch song thân” .
Và nếu hiếu thuận thì phước đức tăng trưởng như trong kinh Hạnh Phúc ghi rằng: “ Người con chí hiếu dù có gặp đại nạn như tai trời, ách nước, địa chấn…. sẽ thoát hiểm một cách an toàn. Nếu giàu thì được hưởng trọn vẹn gia tài không bị nghịch cảnh, chướng duyên, nội nghịch ngoại thù, luật vua phép nước, trộm cướp mất mùa… Nếu nghèo thì đời sống trong sạch thanh nhàn, trời người yêu thương, danh thơm xông khắp, không bị cảnh nợ nần khổ sở, ít bịnh tật, được tăng tuổi thọ… Sau khi chết được sanh Thiên”.
Hiếu đối với Phật Giáo, không chỉ đóng khung trong một đời người ngắn ngủi mấy mươi năm, mà còn liên quan từ quá khứ và liên hệ đến tương lai. Kinh Tương Ưng ghi rằng: “Này các Tỳ Kheo, sữa mẹ mà các Thầy thọ nhận nơi người mẹ từ vô lượng kiếp đến nay còn nhiều hơn nước của đại dương.” .
Kinh Tiểu Bộ kể về câu chuyện Mẹ trong kiếp quá khứ của trưởng lão Xá Lợi Phất (Sàriputta).
Kinh kể rằng: Ở xứ Ba-la-nại (Benares) có một Bà-la-môn đại phú gia, vốn là một đại thí chủ rộng lớn đối với các Sa-môn, Bà-la-môn, đám dân nghèo, du sĩ, lữ khách, hành khất; vị ấy cúng dường bố thí thực phẩm, y phục, sàng tọa và nhiều vật dụng khác.
Một hôm ông đi xa và dặn bà vợ: “Này bà, đừng quên việc bố thí này, bà phải chuyên tâm chăm lo bố thí như đã được định đoạt”.
Nhưng khi ông ra đi, bà liền cắt giảm tục lệ cúng dường chư Tăng. Hơn nữa, đối với đám lữ khách đến xin cư trú, bà chỉ vào túp lều xiêu vẹo bị bỏ phế đằng sau nhà và bảo họ:
- Hãy ở lại đó.
Khi đám du sĩ đến xin thực phẩm nước uống và các thức khác, bà thường buông lời nguyền rủa, kể ra cho từng người bất cứ vật gì ô uế đáng ghê tởm và bảo:
- Hãy ăn phân đi! Hãy uống nước tiểu đi! Hãy uống máu đi! Hãy ăn óc mẹ ngươi đi!
Do nghiệp lực trói buộc, lúc từ trần, bà tái sanh làm nữ ngạ quỷ chịu nỗi khốn cùng phù hợp với ác hạnh của bà. Khi nhớ lại đám quyến thuộc trong tiền kiếp, bà ước mong đến gần Tôn giả Xá Lợi Phất (Sàriputta), và bà liền đến nơi ngài cư trú.
Các vị thổ thần trong nhà ngài không chấp nhận cho nữ quỷ vào. Do đó nữ quỷ nói như sau:
- Trong kiếp thứ năm kể về trước, ta là mẹ của Tôn giả Trưởng lão Xá Lợi Phất (Sàriputta), hãy cho phép ta vào cửa để thăm ngài.
Vừa nghe vậy, chư thần liền cho phép nữ quỷ.
Khi nữ quỷ vào trong, nữ quỷ đứng cuối am thất và thấy ngài. Chợt trông thấy nữ quỷ, ngài (Xá Lợi Phất) động lòng từ bi liền hỏi nữ quỷ:
Trần truồng và xấu xí hình dung,
Gầy guộc và thân thể nổi gân,
Ngươi yếu ớt, xương sườn lộ rõ,
Người là ai, hiện đến đây chăng?
Nữ ngạ quỷ đáp:
Tôn giả, xưa ta mẹ của ngài,
Trong nhiều kiếp trước ở trên đời,
Tái sanh cảnh giới loài ma quỷ,
Ðói khát giày vò mãi chẳng thôi.
Những thứ gì nôn tháo, bọt mồm,
Nước mũi tuôn ra, nước dãi đờm,
Chất mỡ rỉ ra từ xác chết
Bị thiêu, máu sản phụ lâm bồn.
Máu chảy ra từ các vết thương,
Hoặc từ đầu, mũi bị cưa ngang,
Những gì cấu uế trong nam nữ,
Ðói lả, ta đều phải lấy ăn.
Máu mủ ta ăn của các loài,
Và luôn máu mủ của con người,
Không nơi cư trú, không nhà cửa,
Nằm chiếc giường đen nghĩa địa hoài.
Tôn giả, xin Tôn giả cúng dường,
Vì ta, ngài bố thí ban ân,
Ðể cho ta hưởng phần công đức,
Giải thoát ta từ máu, mủ, phân.
Ngày hôm sau, Tôn giả Xá-lợi-phất (Sàriputta) cùng với ngài Mục Kiền Liên, A Na Luật và ngài Kiếp Tân Na đến tận cung Ðại vương Tần-bà-sa (Bimbisàra). Xin phép vua Tần-bà-sa hoan hỷ lập đàn bố thí cúng dường và nhà vua đã theo lời dạy các Ngài và cho người xây trong khu rừng của thành này bốn am thất được cung cấp đủ bóng mát và nước chảy. Sau đó nhà vua đem chúng cùng các vật dụng cần thiết trong cuộc sống cúng dường Trưởng lão Xá-lợi-phất (Sàriputta). Sau đó ngài Xá-lợi-phất dâng tặng lễ vật này lên Tăng chúng khắp thế gian do đức Phật làm thượng thủ và hồi hướng công đức ấy đến nữ ngạ quỷ kia.
Nữ ngạ quỷ hưởng các lợi lạc từ sự hồi hướng công đức của ngài Xá-lợi-phất liền được tái sanh lên thiên giới và trở thành một Thiên nữ hưởng phước trọn vẹn không thiếu bất cứ điều gì.
Một hôm Thiên nữ đến gần đảnh lễ Tôn giả Mục-kiền-liên (Mahà-Moggallàna) và kể lại hai kiếp sống vừa là làm Ngạ quỷ và Thiên nữ. Sau đó Tôn giả hỏi rằng:
Hỡi nàng Thiên nữ, dáng siêu phàm
Ðang chiếu mười phương sáng rỡ ràng,
Thiên nữ, sắc nàng trông chói lọi,
Như vì sao cứu hộ trần gian.
Dung sắc này do nghiệp quả nào,
Phước phần nàng hưởng bởi vì sao,
Bất kỳ lạc thú nào yêu chuộng
Trong dạ, nàng đều thỏa ước ao?
Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Vẻ huy hoàng chiếu khắp mười phương?
Thiên nữ đáp:
Xá-lợi-phất Tôn giả cúng dường,
Nhờ đây, con hạnh phúc hân hoan,
Bốn phương con chẳng hề kinh hãi,
Tôn giả chính là bậc xót thương
Khắp cõi trần gian, thưa Giác giả,
Con về đây kính lễ tôn nhan.
Qua câu chuyện trên, cho chúng ta thấy rằng chuỗi dài nối kết những mắc xích nhân quả nghiệp báo sanh tử luân hồi trong ba thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai. Chúng sanh trở thành thân quyến và oan trái qua lại trong nhiều đời nhiều kiếp. Cũng như vị ngạ quỷ và thiên nữ của câu chuyện chứng minh cho thấy cái nghiệp lực tạo tác nhân bất thiện thành quả báo bất thiện tương ưng với đời sống Ngạ quỷ. Và do năng lực hồi hướng công đức cúng dường làm nhân thiện và kết quả thoát khỏi kiếp Ngạ quỷ khổ đau, trở thành Thiên nữ hưởng phước. Và một nhân duyên thậm thâm nữa là tiền thân của Ngạ quỷ lại là Mẹ của ngài Xá-lợi-phất trong năm kiếp về trước. Và nơi đây nói lên năng lực của bậc Thánh Tăng và năng lực hồi hướng công đức cúng dường của Phật pháp. Do năng lực đại từ đại bi của Phật Pháp, nên đã khiến từ kiếp ngạ quỷ khổ đau chuyển sanh thiên giới ngay tức khắc. Và ngài Xá-lợi-phất cũng đã báo đáp ân sanh thành dưỡng dục của người Mẹ trong kiếp quá khứ xa xưa. Do vậy, sự Báo Hiếu của Đạo Phật không chỉ trong hiện đời, mà còn phải Báo Hiếu Cha Mẹ thuộc nhiều đời nhiều kiếp ở quá khứ. Kiếp hiện tại chưa trả xong, thì trong kiếp tương lai về sau, dù bất kỳ nhân duyên hình thức nào chăng nữa, một khi đủ duyên thì cũng phải Báo Đáp, như câu chuyện người Mẹ trong quá khứ 5 kiếp trước của Ngài Xá-lợi-phất. Vì ngay kiếp xưa ấy, Ngài chưa báo đáp đặng, nên khiến mẹ quá khứ của Ngài trải qua năm kiếp làm người, nhưng làm một con người tánh bất thiện quá nhiều, khiến phải đoạ làm ngạ quỷ khổ đau. Lúc bị đoạ làm ngạ quỷ khổ đau, thì nhận ra rằng Thánh Tăng A La Hán Xá Lợi Phất là con của mình trong 5 kiếp về trước, nên mới đến cầu xin Ngài cứu độ, bằng phương pháp cúng dường chúng Tăng và chư Phật mười phương rồi hồi hướng cho bà. Nhờ vậy, bà ta được sanh thiên làm thiên nữ hưởng phước đức kỳ diệu. Và đây cũng chính là phương pháp cứu độ tất cả chúng sanh đang chịu quả khổ thuộc ba ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh). Cũng là nhân thiện tốt đẹp thù thắng của kiếp Người để sanh Thiên hoặc kiếp Người phước đức trong tương lai gần xa. Và kết quả cứu cánh là thành Phật lợi sanh.
Tóm lại, tháng Bẩy âm Lịch là tháng rất quan trọng đối với hàng Trưởng Tử Như Lai, từ phàm chứng Thánh hoặc ít ra được tăng trưởng Giới Thể Trang Nghiêm Thanh Tịnh sau ba tháng an cư tinh chuyên tu học tam vô lậu học Giới Định Huệ. Cũng chính vì vậy, thập phương bá tánh có cơ hội gieo trồng giống phước lành, hồi hướng cho Ông Bà Cha Mẹ hiện đời tăng phước thọ và đã quá vãng thì được siêu sanh về thiện giới hay tịnh cảnh lạc bang. Đồng thời cũng hồi hướng cho tất cả chúng sanh trong ba đường ác sớm thoát ly cảnh khổ. Đó chính là “trên đền bốn ân nặng, dưới cứu khổ ba đường”.
Cụ Nguyễn Du đã kết trong bài Văn Tế Thập Loại như sau:
Nhờ đức Phật thần thông quảng đại,
Chuyển pháp luân tam giới thập phương,
Nhởn nhơ Tiêu Diện đại vương,
Linh kỳ một lá dẫn đường độ sinh.
Nhờ Phật lực uy linh dũng mãnh,
Trong giấc mê khuya tỉnh chiêm bao;
Mười loài là những loài nào,
Gái trai, già trẻ đều vào nghe kinh.
Kiếp phù sinh như bào như ảnh,
Có chữ rằng: vạn cảnh giai không;
Ai ơi lấy Phật làm lòng,
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi.
Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo,
Của có chi bát nước nén nhang;
Gọi là manh áo thoi vàng,
Giúp cho làm của ăn đường thăng thiên.
Ai đến đấy dưới trên ngồi lại,
Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu:
Phép thiêng biến ít thành nhiều,
Trên nhờ Tôn giả chia đều chúng sinh.
Phật hữu tình từ bi phổ độ,
Chớ ngại rằng có có không không;
Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng,
Nam mô nhất thiết siêu thăng thượng đài.
Mùa Hạ, Nantes –
Pháp quốc 25/7/22 (27/6 Nhâm Dần)
Mặc Nhiên
|